Về ngoại thương, do sản xuất ở vùng tạm chiếm giảm sút nên xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như gạo, cà phê, khoáng sản… đều giảm mạnh, riêng xuất khẩu cao su tăng lên do nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ. Các kho dự trữ đều được vét sạch để xuất khẩu và sản lượng cao su táng do chính sách khai thác cạn kiệt của các chủ đồn điền Pháp trước khi rút chạy khỏi Việt Nam.
Trái ngược với xu hướng giảm sút của xuất khẩu, nhập khẩu trong thời kỳ này tăng mạnh. Giá trị hàng nhập khẩu năm 1946 là 310 triệu đồng Đông Dương, đến năm 1948 đã tăng lên đến 2.360 triệu và năm 1950 đã là 4.329 triệu đồng Đông Dương. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng, chỉ tính riêng các mặt hàng như tơ, vải, sợi, đồ hộp, thuốc lá, xe hơi, xăng dầu v.v… chiếm 50,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân ngoại thương từ năm 1947 bắt đầu chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu và nhập siêu ngày càng tăng lên. Năm 1947, nhập siêu là 501 triệu, năm 1950 là 2.698 triệu, năm 1952 tăng lên đến 6.850 triệu đồng Đông Dương. Xuất khẩu không bù đáp được nhập khẩu, phần thâm hụt được viện trợ Mỹ bù đắp. Giai đoạn 1946-1950, hàng viện trợ Mỹ bình quân hàng năm là 2.948,5 triệu đồng Đông Dương; Giai đoạn 1951-1954 tăng lên so với thời kỳ trước (1946-1950). Theo con đường viện trợ, hàng của Mỹ bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trong quan hệ thương mại, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ cũng không còn phải chịu những điều kiện ràng thuộc như thời kỳ trước chiến tranh.
Vềnội thương, trong những năm 1947-1948 ở các thành phố Pháp tạm chiếm rất tiêu điều, nhưng từ năm 1950 về sau bắt đầu phục hồi do những người tản cư trở về và hảng nhập khẩu tràn vào. Ở Hà Nội, Sài Gòn xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh bán buôn và bán lẻ hàng nhập khẩu. Số thương nhân cũng tăng lên. Từ hai thành phố này, hàng hóa nhập khẩu được các thượng nhân chuyên chở đi các vùng khác, kể cả vào vùng tự do. Một số hoạt động dịch vụ như tiệm nhảy, sòng bạc, kinh doanh nhà đất, cầm cố và tín dụng… rất phát triển trong thời kỳ chiến tranh.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: thời kỳ pháp thuộc