Năm 1879, Ngân hàng Đông Dương đã phát hành loại tiền 1 đồng, 0,5 đồng, 0,2 đồng… lưu hành ở Nam Bộ. Đến năm 1895, tiền Đông Dương do Pháp phát hành đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường tiền tệ ở Việt Nam. Năm 1897, Pháp đưa tiền phrăng của mình vào lưu hành hợp pháp và làm cơ sở cho tiền tệ ở Đông Dương (1 đồng Đông Dương = 2,5 phrăng). Cho đến năm 1930, đồng tiền Đông Dương theo chế độ bản vị bạc.
Theo sắc lệnh ban hành ngày 31-5-1930, mỗi đồng Đông Dương có mệnh giá tương đương 655 mg vàng, tức là ngang với 10 đồng phrăng. Nhưng đến năm 1936, đồng Đông Dương phải chấp nhận lấy đồng phrăng làm bản vị. Từ đó vận mệnh tiền Đông Dương đã gán liền với đồng phrăng, lên xuống bấp bênh cùng với đồng phrăng và nền kinh tế Pháp.
Nắm độc quyền phát hành giấy bạc, lúc đầu Ngân hàng Đông Dương còn phát hành giấy bạc theo một tỷ lệ trữ kim nhất định (cứ có 100 đồng bạc thật dự trữ thì Ngân hàng Đông Dương được phát hành 300 đồng bạc giấy), nhưng sau đó lượng trữ kim tăng lên không tương ứng với số lượng giấy bạc phát hành, thậm chí giảm xuống, nên đã làm giảm ý nghĩa của chế độ bản vị.
Đến những năm cuối của chế độ thực dân Pháp, đồng tiền Đông Dương không còn bạc hay vàng đảm bảo nữa, việc phát hành hoàn toàn phục vụ cho chi tiêu. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn định của đồng tiền Đông Dương.
Ngoài chức năng phát hành tiền, Ngân hàng Đông Dương còn kinh doanh tiền tệ, cho vay nặng lãi. số lượng vốn của Ngân hàng Đông Dương tăng lên rất nhanh. Năm 1875, khi mới thành lập, vốn của nó 8 triệu đến năm 1900 lên 24 triệu, năm 19-20 tăng lên 72 triệu. Pháp lập ra nhiều tổ chức cho vay để cạnh tranh với tư bản Ấn kiều, Hoa kiều và địa chủ Việt Nam (Ngần hàng Đông Dương, Ngân hàng Nông phố, Ngân hàng Pháp – Hoa, Ngân hàng kỹ nghệ và thương mại, Hội vạn quốc tiết kiệm, các hiệu cầm đồ…). Trong đó đáng chú ý là Ngân hàng Nông phố: Năm 1913 được tổ chức ở Nam Bộ (một phần vốn là của địa chủ Kỳ Hoà, người Việt, còn đại bộ phận vốn là của Ngân hàng Đông Dương); năm 1927, ngân hàng này lại được thành lập ở Bắc Bộ và Trung Bộ, cho nông dân Việt Nam vay vốn, lãi thưởng rất nặng, từ 15-18 phân. Tiền lãi của Ngân hàng Đông Dương tăng lên rất nhanh. Mức lãi năm 1875 là 84.000 phrăng, đến năm 1905 lên tới 2.665.834 phrăng, đến năm 1939 đã là 111.371.000 phrăng.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: đồng tiền việt nam