Chính phủ còn cho thành lập hợp tác xã để thu hút thương nhân tham gia cùng Nhà nước thu mua và tiếp tế hàng hóa cho kháng chiến và đời sống của nhân dân. Nhưng vì chưa xác định rõ tôn chỉ, mục đích và chưa có kinh nghiệm tổ chức quản lý nên các hợp tác xã này mang tính chất hội buôn, kinh doanh kiếm lãi, vì thế tổ chức buôn bán mới này không được khuyến khích phát triển. Do tổ chức kinh doanh của nhà nước và hợp tác xã còn nhỏ bé nên thương nghiệp tư nhân có vai trò rất quan trọng, chiếm đại bộ phận hàng hóa lưu chuyển ở vùng tự do.
Giá cả háng hóa ở vùng kháng chiến có nhiều biến động theo thị trường và cũng chịu tác động rất lớn của chiến tranh. Trong hơn một năm đầu, vùng tự do còn rất rộng lớn, giá cả tương đối ổn định. Từ giữa năm 1948 đến 1950, giá cả nhiều nơi tăng vọt. Giá 1 kg gạo trung bình trên phạm vi cả nước năm 1947 mới là 3 đồng (tiền tài chính), năm 1948 là 4 đồng, năm 1949 là 13,5 đồng, ở Lạng Sơn, giá gạo tháng 1-1949 là 7,3đ/kg, đến tháng 12-1949 đã lên đến 29,5đ/kg. Điều này một phần là bởi vùng tự do bị thu hẹp đã gây nên tỉnh trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường. Mặt khác còn đo hoạt động quân sự được đẩy mạnh, Nhà nước phải chi tiêu rất nhiều để cung cấp cho lực lượng bộ đội ngày càng tăng lên, mà lại chủ yếu dựa vào phát hành tiền.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành sắc lệnh ngăn cấm, phạt đối với người đầu cơ tích trữ và quy định giá “cấm không được bán những loại hàng hóa cần thiết cho đời sống nhân dân và công cuộc kháng chiến quá một giá tối đa do Chính phủ quy định”. Do các biện pháp này đã tỏ ra không thích hợp nên sau 3 tuần quy định trên đã được bãi bỏ. Sau đó, Nhà nước ban hành quy định mới khẳng định: nguyên tắc căn bản về hoạt động thương mại trong nội địa là tự do buôn bán… Trong hoàn cảnh hiện tại, nguyên tắc ấy lại càng phải được tôn trọng vì những hoạt động thương mại của tư nhân đang giữ một vai trò quan trọng trong việc điều hòa phân phối và giá cà hàng hóa ở các địa phương.
Giữa vùng kháng chiến và vùng tạm chiếm có những điểm giáp ranh, để hạn chế sự phá hoại kinh tế của địch, tháng 10-1948, Chính phủ cho thành lập Ban bao vây kinh tế địch ở Trung ương và địa phương làm nhiệm vụ tăng cường bao vây kinh tế vùng địch tạm chiếm và thực hiện thể lệ đi lại, trao đổi hàng hóa giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm. Sang giai đoạn này Chính phủ chuyển từ chủ trương triệt để bao vây sang chủ trương vừa bao vây, vừa lợi dụng kinh tế địch. Để thực hiện chú trương đó, Bộ Kinh tế đã ra thông tư quy định các mặt hàng được trao đổi giữa hai vùng. Các Phòng Tiếp liệu được thành lập ở những vùng tiếp giáp nơi bị địch chiếm để mua những thứ hàng hóa cần thiết, đồng thời để hướng dẫn thương nhân kinh doanh.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: ngân hàng đông dương